Sau lần dạo chơi đầu tiên vào buổi mùa xuân nọ, em bé bị mê sảng mất mấy ngày. Có lúc em nằm lịm, yên lặng trên giường, có lúc em trằn trọc, mồm nói lảm nhảm, tai lắng nghe tiếng động ở tận đâu đâu. Lúc nào nom mặt em cũng ngơ ngác kinh hãi.
Bà mẹ nói:
- Trời ơi, hình như con tôi nó cố gắng tìm hiểu một cái gì mà không làm sao hiểu nổi.
Cậu Mácxim ngồi trầm ngâm, đầu lắc lắc. Cậu biết rõ đứa bé bị xúc động quá mạnh và ngất đi như vậy là do những cảm giác tràn ngập vào nó nhiều quá, nên cậu quyết định chỉ cho những cảm giác ấy từ từ đến với đứa bé mới mệt dậy, đến từng cảm giác một. Cửa sổ buồng em bé ốm nằm đóng kín mít. Về sau dần dần khi em bình phục, mới thấy mở đôi lúc. Em được dắt đi chơi trong buồng, ra ngoài bậc cửa, ra sân, ra vườn. Mỗi khi thấy mặt em bé có vẻ lo lắng, mẹ em lại giảng giải cho em hiểu rõ bản chất những âm thanh vừa làm em kinh ngạc.
Đây là tiếng tù và của chú bé chăn cừu tít tận đằng kia, phía sau mé rừng. Còn tiếng này là tiếng chim bông lau hót giữa những tiếng chim sẻ ríu rít... Và bây giờ là tiếng con cò đậu trên bánh xe(2) đang kêu. Nó vừa mới ở miền xa xôi bay về tổ cũ.
Em bé hớn hở quay mặt về phía mẹ, tỏ vẻ biết ơn. Em cầm lấy tay mẹ, đầu gật gật, tai vẫn lắng nghe, vẻ mặt suy nghĩ, ra chiều đã hiểu rõ.
X
Bắt đầu từ đó, thấy cái gì đáng chú ý em lại hỏi han để biết. Hễ có tiếng động nào, là mẹ, hay thường thường là cậu Mácxim, lại bảo cho em biết âm thanh ấy là do những đồ vật hoặc những con vật nào đã phát ra. Lời bà mẹ giảng nghe sinh động và nhiều hình ảnh hơn làm em có ấn tượng mạnh mẽ hơn, đôi khi ấn tượng ấy rất đau đớn. Mắt đầy đau khổ và niềm ai oán không nhờ cậy vào đâu được, bà mẹ chăm chú giảng giải cho con nghe những khái niệm về hình thể và màu sắc. Em bé hết sức tập trung chú ý, đôi lông mày nhíu lại, thậm chí vừng trán trong trắng của em hằn lên mấy nếp nhăn nhè nhẹ. Chắc cái đầu nhỏ bé của em đang gặp phải một công việc quá phức tạp. Những lúc như vậy, cậu Mácxim cau mặt lại, khi đôi mắt bà mẹ rưng rưng lệ, và mặt em bé tái đi vì những cố gắng quá sức, người lính già liền xen vào, gạt chị ra và kể những câu chuyện khác cho cháu nghe; trong câu chuyện, cậu cố hết sức chỉ dùng những khái niệm về không gian và âm thanh. Nét mặt em liền dịu lại.
Em bé hỏi về con cò gõ trống trên chiếc cột: - Cậu ơi, con cò nó thế nào hở cậu? Nó có to không? Vừa hỏi, em vừa dang hai cánh tay ra. Mỗi lần hỏi những cái tương tự như vậy là em lại dang hai tay ra. Lúc nào thấy vừa vặn đúng là cậu Mácxim bảo thôi. Giờ đây em dang rộng cả đôi cánh tay bé nhỏ, nhưng cậu vẫn bảo:
- Không cháu ạ, con cò nó còn lớn hơn thế nhiều.Nếu bắt bỏ vào buồng và đặt nó xuống đất, đầu nó nghển sẽ cao quá lưng chiếc ghế dựa. Cháu hiểu chưa?
Em bé vẻ mặt trầm ngâm nói: - Thế ra nó lớn quá cậu nhỉ? Thế con chim bông lau to thế này chứ? - Em bé nhích đôi bàn tay nhỏ xíu cách nhau một chút.
- Phải, con bông lau to đúng như vậy... Nhưngchim lớn không bao giờ hót hay bằng con nhỏ. Khi con bông lau hót, nó cố hót hay để cho ai nghe cũng phải thích. Còn con cò là một giống chim nghiêm nghị, trong tổ, nó chỉ đứng có một chân, mắt luôn luôn nhìn xung quanh y như một lão chủ hà khắc đứng ốp thợ làm, quát tháo, mắng chửi, chả sợ gì làm phiền hàng xóm mà cũng không chút xấu hổ về cái tiếng khàn khàn của mình.
Nghe cậu tả, đứa bé bật cười và quên khuấy được một lát những cố gắng khó nhọc của em lúc này để hiểu được câu chuyện bà mẹ kể. Nhưng câu chuyện của bà mẹ hấp dẫn, nên em vẫn thường thích hỏi mẹ hơn là hỏi cậu Mácxim.
Nguyễn Văn Sỹ dịch
(1) Kôngtơra là tên chợ ngày xưa nổi tiếng ở Kiép.
(2) Ở Ukren và ở Ba Lan, người ta thường cắm những chiếc cột thực cao cho cò đậu. Trên đầu cột có lắp những chiếc bánh xe cũ để cò làm tổ. http://phim7liawcs.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment